Giữa tháng 4/2016, giá gạo 5% tấm của Việt Nam xuất đi chỉ còn hơn 370 USD một tấn, giảm 5 USD so với tháng trước trong khi nhiều đối thủ vẫn giữ, thậm chí tăng giá.
Theo Trung tâm Tin học và thống kê (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), hiện thị trường lúa gạo tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã bớt nóng, giá lúa tuần qua có xu hướng chững lại, thậm chí giảm nhẹ so với tuần trước do các kho gạo của doanh nghiệp hiện đã đầy hàng nên ngừng thu mua.
Tại Đồng Tháp, giá lúa tươi thu mua tại đồng đang giảm mạnh so với cách đây khoảng 2 tuần, với mức giảm trung bình 500-800 đồng một kg. Cụ thể, lúa Jasmine 85 khoảng 5.200 đồng, OM 4900 giá 4.900-5.200 đồng; Nàng hoa 9 giá 5.400 đồng; lúa thường IR 50404 giá 4.500 đồng một kg.
Tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm từ 5.000 đồng xuống còn 4.800 đồng; lúa OM 2514 giảm từ 5.100 đồng xuống còn 5.000 đồng. Riêng tại Kiên Giang, hạn, mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất lúa, nguồn cung giảm mạnh do doanh nghiệp thu mua nhiều để tạm trữ đã khiến giá lúa ở đây tăng mạnh trong tuần qua, lúa tẻ thường từ 5.200 đồng lên 5.800 đồng; lúa dài từ 6.300 đồng lên 6.600 đồng một kg.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2016, giá xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục giảm. Hiện giá gạo 5% tấm chỉ còn hơn 370 USD một tấn, giảm 5 USD so với tháng 3/2016. Theo Trung tâm Tin học và thống kê, đây là hiện tượng không bình thường khi nhiều quốc gia đối thủ vẫn giữ giá xuất khẩu gạo ở mức cao, thậm chí tăng vọt. Trong khi đó giá lúa trong nước lại đang tăng. Sự “lạc điệu” này đang dồn đẩy người nông dân trồng lúa đối mặt với nhiều nguy cơ.
Hiện nhiều quốc gia giữ giá gạo xuất khẩu ở mức cao, như Ấn Độ 380 USD một tấn hay Campuchia 460 USD (gạo 5% tấm), một số nước cũng có chiều hướng tăng thêm bình quân 5 USD như Thái Lan, Pakistan.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lũy kế xuất khẩu gạo từ ngày 1/1 đến ngày 14/4/2016 đạt 1,531 triệu tấn, trị giá FOB đạt hơn 625 triệu USD, tăng 1,35% về lượng so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Dân Việt